Sáng ngày 11/5, Wefit – mô hình đặt lịch tập luyện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam – đã công bố phá sản trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Đây được coi là thương hiệu Fitness với khả năng dẫn đầu xu hướng tại Việt Nam, đã từng đạt mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ – trung bình 40% mỗi tháng. Đồng thời, nhà sáng lập của nền tảng này còn xuất sắc lọt vào top “30 Under 30” theo bình chọn từ Forbes.
Wefit đã đón đầu xu hướng người dùng với khẩu hiệu “luyện tập mọi lúc, mọi nơi”. Theo đó, người dùng mua gói tập và có thể sử dụng để tập tại tất cả các hệ thống phòng tập thuộc đối tác của Wefit. Phương án này giúp người dùng tập luyện thuận tiện hơn, các phòng tập cũng có thể tối ưu hóa khung giờ vắng khách.
Đây được coi là một ý tưởng đẹp nhưng chính cách thực hiện có phần “ngây thơ” đã khiến dự án này chết yểu. Vậy những nguyên nhân đằng sau sự sụp đổ này là gì?

1. Khách hàng tập luyện quá chăm chỉ
Wefit được mệnh danh như là một Uber của lĩnh vực thể hình và hoạt động khá tương tự như ClassPass tại Mỹ. Wefit cũng đã mắc một sai lầm khi đi theo chính lối mòn của ClassPass.
Cả hai đều đã quá ngây thơ khi đã đưa ra bài toán về hành vi người dùng quá lý tưởng và không ngờ rằng người dùng quá chăm chỉ. Họ đã tận dụng mọi thời gian tập luyện, thậm chí có người còn gian lận để không phải trả nhiều phí thành viên hơn. Nhiều người đã dùng chung một tài khoản để tránh phải chi trả nhiều hơn.
Mô hình này thu một khoản phí nhất định của người dùng và trả lại cho phòng tập khi khách hàng đặt lịch. Điều đó đồng nghĩa với việc họ thu được lợi nhuận nhiều hơn nếu khách hàng lười đi tập.
ClassPass buộc đã phải khai tử không thời hạn bởi nguyên do này vào tháng 11 năm 2016. Lúc đó, Wefit mới ra đời nhưng không rút được bài học xương máu từ chính sai lầm này.

2. Trả giá quá lớn để hút người dùng
Chỉ sau một năm thành lập, Wefit thu về cho mình đến 5000 khách hàng duy trì sử dụng hàng tháng, 600 đối tác là phòng tập tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội. Những con số ấn tượng này cùng mức doanh thu cực tốt – 700.000 USD – đã khiến họ nhận được 155.000 USD từ quỹ ESP Capital, 1 triệu USD từ KB Invest, CyberAgent và nhiều nhà đầu tư thiên thần.
Chính điều này đã khiến những nhà điều hành đưa ra nhiều chính sách quá “táo bạo” để thu hút người dùng. Họ cho người dùng các ưu đãi gói tập quá lớn, thậm chí là tặng buổi spa, túi thể thao,… Các chương trình này còn được chạy xuyên suốt khoảng thời gian dài.
Ngoài ra, họ cũng rất tích cực trong việc mở rộng mạng lưới đối tác. Trong khi đó, càng có nhiều đối tác đồng nghĩa với việc họ phải trả càng nhiều chi phí. Đây cũng là một sai lầm tương tự mà ClassPass đã từng mắc phải.

3. Quá chậm trễ trong việc sửa sai
Wefit đã bắt đầu ngày càng lún sâu vào những sai lầm từ khoảng giữa năm 2019. Bằng chứng là việc công ty này cắt các chương trình ưu đãi và bị đối tác tố thanh toán không đúng hạn.
Họ bắt đầu thực hiện khắc phục bằng cách siết chặt ưu đãi, điều này là trái so với các cam kết ban đầu. Gói tập bị quy thành điểm và người dùng sẽ bị trừ điểm theo các lần tập luyện. Do đó, việc luyện tập không giới hạn như ban đầu đã không còn được ứng dụng.
Cách làm này không giúp cứu nguy mà ngược lại đã khiến tình trạng tồi tệ hơn khi người dùng đồng loạt bức xúc, tố công ty lừa đảo. Do đó, công ty càng gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm khách hàng mới.
Đồng thời, Wefit đã không dự đoán được chính xác những diễn biến tâm lý của khách hàng. Người dùng cho rằng họ không cần thiết phải thay đổi nơi tập thường xuyên mà có xu hướng gắn bó tại một nơi để gia tăng động lực. Ngoài ra, họ cũng có tâm lý chọn các phòng tập cao cấp để tận dụng mọi lợi thế mình có. Trước vấn đề này, công ty đã không đưa ra được cách ứng phó phù hợp.

Wefit đã buộc phải tuyên bố phá sản và có đưa ra lý do vì tác động của dịch Covid-19. Nhưng theo những phân tích như trên, nguyên nhân này chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Thất bại này đến từ chính cách quản lý và vận hành có quá nhiều lỗ hổng.