Trong mỗi kế hoạch kinh doanh, việc xác định khách hàng mục tiêu là điều tất yếu. Bởi lẽ, những đối tượng này chính là chìa khóa để các nhà kinh doanh thực hiện chiến dịch marketing.
Vậy khách hàng mục tiêu là gì? Làm sao để nhận biết được họ? Hãy cùng Môi Giới Cá Nhân tìm hiểu dưới bài viết sau đây.
1. Khách hàng mục tiêu là gì?
Khách hàng mục tiêu là nhóm đối tượng mà nhà kinh doanh hướng tới trong giai đoạn thị trường nhất định. Những đối tượng này phải có nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ và có khả năng chi trả cho những sản phẩm/dịch vụ đó.
Khách hàng mục tiêu bao gồm 2 nhóm:
- Khách hàng tiềm năng.
- Khách hàng thực sự.

2. Xác định khách hàng mục tiêu có ý nghĩa như thế nào?
Xác định khách hàng mục tiêu đem lại rất nhiều lợi ích cho môi giới như:
- Tiết kiệm tối đa chi phí cho các hoạt động tiếp thị.
- Khoanh vùng các đối tượng phù hợp cho các chiến dịch marketing và tập trung vào các đối tượng này.
- Rút ngắn thời gian thực hiện chiến dịch, tiết kiệm được chi phí và nhân sự một cách đáng kể.
Tóm lại, xác định khách hàng mục tiêu có vai trò rất lớn trong việc mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận cho nhà kinh doanh. Do đó, trước khi triển khai bất kỳ một chiến dịch tiếp thị nào, môi giới cần xác định nhóm đối tượng khách mục tiêu dựa trên các tiêu chí phù hợp với thương hiệu.
3. Khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng có khác nhau không?
Nhìn chung, khách hàng tiềm năng và khách hàng mục tiêu tương đồng với nhau về nhiều mặt trong bản chất. Tuy nhiên, xét một cách bao quát, chỉ sau khi xác định được khách hàng tiềm năng thì bạn mới từng bước phát triển nhóm đối tượng này thành khách hàng mục tiêu.

4. 3 cách xác định khách hàng mục tiêu đơn giản, hiệu quả
4.1. Dựa trên nhân khẩu học
Dữ liệu về nhân khẩu học rất đáng giá nếu bạn cần quảng cáo nội dung của mình trên các kênh trả tiền như Facebook Ads hay Google Ads. Bạn càng có thông tin cụ thể thì mức độ chính xác khi “ngắm bắn” của quảng cáo càng cao.
Những yếu tố bạn nên xác định trong nhân khẩu học bao gồm: Tuổi tác, giới tính, vị trí địa lý, thu nhập, nghề nghiệp, trình độ học vấn,… Tùy vào đặc tính của sản phẩm mà một số yếu tố sẽ không quan trọng.
Nên nhớ, nếu bạn đang có một lượng theo dõi đông đảo trên Facebook, thì đừng quên tận dụng Facebook Insight để thu thập dữ liệu.
4.2. Tâm lý học
Dữ liệu về tâm lý học cho phép bạn hiểu sâu hơn vì sao khách hàng quyết định mua hàng. Tuy nhiên, dữ liệu về tâm lý thường mang giá trị rất cảm tính. Vậy nên, để thu thập được một cách chính xác là điều không hề đơn giản.
Có 3 vấn đề bạn cần xác định khi tìm hiểu tâm lý đó là:
- Sở thích,
- hoạt động – thói quen,
- thái độ – ý kiến.
Khi tiến hành nghiên cứu tâm lý khách hàng bằng bảng phỏng vấn, bạn cần lưu ý đến cách đặt câu hỏi sao cho khách hàng mở lòng và thoải mái chia sẻ nhất. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng biết được đó có phải là khách hàng mục tiêu của mình hay không.

4.3. DMU
DMU (Decision Making Unit) được gọi là đơn vị ra quyết định. Đây là một thuật ngữ mô tả một nhóm các cá nhân có liên quan đến quá trình mua sản phẩm/dịch vụ.
Có 06 vai trò trong DMU môi giới cần lưu ý, bao gồm:
- Users (Người sử dụng).
- Initiators (Người khởi xướng).
- Influencers (Người ảnh hưởng).
- Buyers (Người mua)
- Gatekeepers (Người quản lý chi tiêu).
- Decision makers (Người ra quyết định)
Nên nhớ, một người có thể đóng nhiều vai trò. Trong đó, 3 vai trò bạn cần tập trung vào để xác định khách mục tiêu là là users, influencers và decision makers. Cụ thể:
a) Users (Người dùng)
Người dùng là những người đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Tại sao họ lại quan trọng và đáng để chúng ta nghiên cứu như một khách mục tiêu? Bởi vì họ đang có một vấn đề nào đó, và sản phẩm của bạn ở đây để giúp họ. Chính vấn đề đó đôi khi biến user thành initiator (người khởi xướng).
Ví dụ, bạn là một nhân viên kinh doanh bất động sản. Bạn cảm thấy bất tiện khi không có xe riêng để đưa khách tham quan dự án. Bạn đề xuất với sếp về việc sử dụng dịch vụ thuê xe theo tháng cho cả công ty. Như vậy, bạn vừa trở thành người dùng, vừa trở thành người khởi xướng.
b) Influencers (Người ảnh hưởng)
Người ảnh hưởng là bất cứ ai mà ý kiến của họ có tác động đến người ra quyết định mua hàng. Khi một chuyên gia hay một người nổi tiếng nhắc đến sản phẩm của bạn, doanh số có thể tăng gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, người ảnh hưởng cũng có thể là những người đã mua hàng và đang giới thiệu bạn với bạn bè, người thân của họ. Chính vì vậy, đây được xem như khách mục tiêu “ngầm” mà môi giới cần thật tinh ý để nhận biết và chăm sóc tận tình.
c) Decision Makers (Người ra quyết định)
Cái tên nói lên tất cả, người ra quyết định là người có tiếng nói cuối cùng về việc mua sản phẩm. Họ sẽ thu thập thông tin từ những người dùng, người có ảnh hưởng và những yếu tố khác để ra quyết định có mua hàng hay sử dụng dịch vụ hay không.

Một ví dụ điển hình là người chồng thích mua một căn studio, nhưng người vợ mới là người quyết định có nên chi tiền mua hay không. “Người vợ” có thể không là người dùng, nhưng lại có đủ “quyền lực” khiến người làm marketing phải để tâm rất nhiều.
Như vậy, DMU xác định người có nhu cầu đang nằm ở đâu trong phễu marketing để chọn lọc ra những khách mục tiêu phù hợp.
Thực chất, cách xác định khách hàng mục tiêu trong marketing vừa khó lại vừa dễ. Nó khó nếu bạn chưa vẽ được chân dung người mua và tìm được các công cụ bổ trợ thích hợp. Và dễ nếu bạn đã thiết lập sẵn những ý tưởng, kế hoạch chi tiết cho hoạt động tiếp cận đối tượng tiềm năng của mình.