Trong bài viết dưới đây, Môi Giới Cá Nhân sẽ giới thiệu các loại hình đầu tư bất động sản tiềm năng. Với việc phân tích ưu – nhược điểm cụ thể của từng loại hình, bạn sẽ có sự cân nhắc và lựa chọn phù hợp hơn.
Hiện nay trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại hình bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư vào loại hình nào mới đảm bảo hiệu quả cũng như nguồn lợi nhuận?
1. Căn hộ chung cư
Khi quỹ đất tại khu vực thành phố ngày càng bị thu hẹp và không đáp ứng được nhu cầu, các căn hộ chung cư trở thành một giải pháp được nhiều người lựa chọn.
a. Ưu điểm
- Căn hộ chung cư đa dạng về phân khúc, dành cho mọi đối tượng từ cao cấp – trung cấp đến bình dân.
- Nhu cầu mua, thuê căn hộ chung cư ngày một lớn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, dân cư tập trung đông đúc.
- Đa dạng về mục đích sử dụng: có thể để ở, cho thuê, đầu tư lướt sóng hay tích trữ tài sản lâu dài.
- Có tính thanh khoản tốt, có khả năng đem lại nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng dưới hình thức cho thuê.
b. Nhược điểm
- Hiện nay ngày một nhiều dự án chung cư được xây dựng. Chủ đầu tư cần xem xét nhu cầu, xu hướng thị trường kỹ lưỡng trước khi đầu tư.
- Có rất nhiều dự án bị PR, quảng cáo quà đà về giá trị và tiềm năng khiến nhiều người mua mắc bẫy.
- Nhà chung cư thường ít có biến động tăng vọt về giá, mức giá chỉ tăng nhẹ. Thông thường muốn có mức lời lớn phải đầu tư từ lúc dự án chưa hoàn thiện. Thời điểm này thường lại tồn tại khá nhiều rủi ro.
- Người mua nhà chung cư không sở hữu một mảnh đất riêng. Ngoài ra, nhiều khu vực nhà chung cư không được sở hữu trọn đời.
2. Đất nền
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đất nền vẫn là hình thức lên ngôi trong thời gian tới. Loại hình bất động sản này có đặc điểm như sau:
a. Ưu điểm
- Quỹ đất đô thị ngày một khan hiếm, việc mở rộng khu trung tâm ra ngoại thành ngày càng được đẩy mạnh. Do đó, tiềm năng tăng giá của đất nội thành hay ven đô đều rất cao.
- Có khả năng sinh lời, tính thanh khoản tốt, đặc biệt là ở những khu vực đang được phát triển về cơ sở hạ tầng.
- Đa dạng về mục đích: mua để đầu tư công trình sinh lời, mua đất xây nhà ở, bán lại kiếm lời, tích trữ tài sản,…
- Số vốn đầu tư đất nền thường thấp hơn so với những loại hình khác nhưng có tiềm năng tăng giá rất cao.
- Đây là một trong các loại hình đầu tư bất động sản ít bị chi phối bởi yếu tố quảng cáo, PR.
b. Nhược điểm
- Hiện tượng “sốt đất ảo” khiến khá nhiều người mắc bẫy và bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư.
- Nhiều khu đất nền có vướng mắc về pháp lý dẫn đến người mua gặp phải nhiều rủi ro.
- Đất vị trí đẹp, nhiều tiềm năng thường có giá cao. Ngược loại, đất nền giá rẻ thường vị trí không đẹp và khó bán, nhà đầu tư dễ bị “chôn” tiền vốn.
- Đầu tư đất nền chỉ đem lại nguồn lợi nhuận cao nếu nằm ở khu vực vị trí đẹp, có khả năng phát triển hạ tầng giao thông và đô thị. Chính vì vậy, phải xem xét thật kỹ lưỡng trước quyết định bỏ vốn.

3. Bất động sản nghỉ dưỡng
Bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một xu hướng đầu tư nóng với đầy tiềm năng hấp dẫn.
a. Ưu điểm
- Ngành du lịch Việt Nam đang có bước phát triển cực lớn, được coi là “cỗ máy in tiền”. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Chính vì vậy, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng cũng ngày càng tăng.
- Sở hữu vị trí đẹp và đắc địa tại các khu du lịch đông đúc. Bất động sản du lịch thường sở hữu tầm nhìn ven biển hay khung cảnh núi đẹp mắt.
- BĐS nghỉ dưỡng có thể được sử dụng vào nhiều mục đích: trực tiếp cho thuê, cho một bên kinh doanh thuê lại, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của bản thân và gia đình.
- Có khả năng sinh lợi lớn và ổn định. Mức lợi nhuận của loại hình này dao động từ 8-14% và được duy trì ổn định trong nhiều năm.
b. Nhược điểm
- Mức lợi nhuận phục vụ rất lớn vào nhu cầu du lịch của thị trường. Nhiều nơi, hình thức du lịch chỉ có tính mùa vụ và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan (thời tiết, tình hình kinh tế, dịch bệnh,…).
- Vốn đầu tư ban đầu khá lớn, tùy thuộc vào độ hấp dẫn của từng khu vực. Các loại bất động sản ven biển thường là loại hình cao cấp và có giá rất cao.
- Hiện nay tại Việt Nam, loại hình BĐS du lịch đang gặp phải nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý.
4. Nhà phố
Nhà phố là loại hình đầu tư BĐS đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hề giảm nhiệt và không ngừng gia tăng về nhu cầu.
a. Ưu điểm
- Đa dạng về công năng sử dụng: vừa có thể làm nhà ở, vừa để kinh doanh hoặc cho thuê lại sinh lời.
- Có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ việc cho thuê hay kinh doanh. Đặc biệt, nhu cầu thuê lại mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố đông đúc luôn luôn lớn.
- Tính pháp lý của loại hình nhà phố thường đầy đủ và được đảm bảo hơn so nhiều loại hình khác.
- Với nhà phố, chủ sở hữu có thể sở hữu riêng mảnh đất trong thời hạn lâu dài.
b. Nhược điểm
- Nhà phố có vốn đầu tư ban đầu khá cao do sở hữu vị trí đẹp và thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt, tại các tuyến đường lớn và đông đúc, giá một căn nhà phố càng không thấp.
- Nhà phố thường có diện tích khá nhỏ, do đó có thể gây ra khó khăn khi thực hiện tách sổ đỏ đứng tên riêng.
- Giá bán và cho thuê nhà phố chịu sự tác động của mức giá chung và biến động thị trường. Thường chủ sở hữu khó có thể điều chỉnh giá bán dựa theo mong muốn.

5. Shophouse
Shophouse là nhà ở thương mại, kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh. Đây là loại hình xuất hiện chưa lâu nhưng đã tạo nên một xu hướng đầu tư được quan tâm.
a. Ưu điểm
- Nguồn cung Shophouse khá khan hiếm do mỗi dự án thường chỉ có 3-5% số sản phẩm là Shophouse.
- Có tính thanh khoản cao, tiềm năng sinh lời lớn.
- Doanh thu từ việc cho thuê hay kinh doanh cao. Theo thống kê, căn hộ kiểu này có khả năng đem lại tỷ lệ lợi nhuận lên tới 8-12% mỗi năm.
- Các căn Shophouse sở hữu vị trí đẹp nhất dự án, có nhiều cư dân qua lại đông đúc. Do đó, nhu cầu thuê những căn hộ này luôn ở mức lớn.
b. Nhược điểm
- Giá mua Shophouse thường ở mức cao hơn so với các loại hình căn hộ thông thường trong cùng dự án. Chính vì vậy, chủ đầu tư phải có số vốn lớn, chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
- Shophouse thường chỉ được sở hữu trong thời gian 50 năm (trừ một số dự án đặc biệt).
- Đầu tư Shophouse để đảm bảo sinh lời cần xem xét tiềm năng phát triển của dự án, hạ tầng xung quanh. Khu vực phải có khả năng thu hút cư dân, nhiều người qua lại mới có thể kinh doanh hay cho thuê sinh lời cao.

Xem Thêm: 2 bí quyết tìm kiếm data khách hàng bất động sản hiệu quả
6. Officetel
Officetel là chung cư văn phòng, kết hợp giữa chung cư để ở và văn phòng. Hiện nay, đây đang là loại hình được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Đây đang là một trong các loại hình đầu tư bất động sản được chú ý hiện nay.
a. Ưu điểm
- Nguồn cung BĐS văn phòng tại các thành phố lớn đang rơi vào tình trạng khát nguồn cung. Do đó, nhiều doanh nghiệp chuyển sang lựa chọn Officetel. Loại hình này phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiện ích và tiết kiệm chi phí hơn.Cho nên, nhu cầu mua, thuê Officetel ngày càng tăng.
- Căn hộ sở hữu tiện ích văn phòng đầy đủ (có khu vực lễ tân, bảng tên công ty, thang máy riêng,…) và có thể sử dụng địa chỉ làm trụ sở đăng ký kinh doanh.
- Thường có diện tích khá nhỏ nên chi phí đầu tư ban đầu không quá cao.
b. Nhược điểm
- Quyền sở hữu bị hạn chế về thời gian, chỉ được sở hữu trong vòng 50 năm (trừ một số dự án đặc biệt).
- Chi phí vận hành, quản lý căn hộ tương đối cao do tại đây sở hữu cả tiện ích văn phòng và tiện ích ở.
- Có diện tích hạn chế, chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập.
- Hình thức căn hộ Officetel hiện nay vẫn tồn tại một số vướng mắc về mặt pháp lý.
7. Hoa viên nghĩa trang
Hoa viên nghĩa trang là loại hình mới lạ nhưng đã tạo được sức hút không hề nhỏ với giới đầu tư. Với tình hình thị trường hiện tại, loại hình này có tiềm năng đem lại mức lợi nhuận lớn.
a. Ưu điểm
- Là loại hình BĐS thuộc thị trường ngách, ít cạnh tranh và không bị biến động quá nhiều bởi chu kỳ BĐS.
- Đất đai tại các thành phố lớn rất hạn hẹn, đặc biệt là đất để làm nghĩa trang. Do đó, nguồn cung loại hình này khá hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lại không hề thay đổi. Tại các khu vực như Hà Nội hay TP.HCM, loại hình này đang nở rộ và có khả năng tăng giá mạnh.
- Không cần có mức vốn đầu tư quá cao.
- Mức lợi nhuận tiềm năng rất lớn. Theo thống kê, tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào loại hình này có thể lên tới 40-100%.
b. Nhược điểm
- Chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Nếu đất thuộc khu vực quy hoạch thì chủ đầu tư sẽ gặp khá nhiều rủi ro.
- Lựa chọn hoa viên để an táng thường tốn nhiều chi phí hơn so với các loại hình khác. Do đó, không nhiều gia đình có điều kiện mua đất để mai táng người thân.
8. Nhà ở cho thuê
Nhà ở, phòng trọ cho thuê là loại hình đầu tư kinh doanh khá phổ biến. Đây là một trong các loại hình bất động sản được lựa chọn nhiều nhất hiện nay.
a. Ưu điểm
- Nhu cầu thuê phòng trọ, nhà ở rất cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn, tập trung người lao động và học sinh, sinh viên.
- Tạo ra nguồn thu nhập ổn định và lâu dài hàng tháng cho chủ sở hữu. Do nhu cầu nhà ở luôn được duy trì nên nguồn thu nhập này ít chịu biến động của tình hình thị trường.
- Nhà trọ, phòng trọ cũng thuộc loại hình nhà ở thương mại, được xếp vào nhóm nhà ở. Do đó, loại hình này có tiềm năng tăng giá theo thị trường bất động sản.
b. Nhược điểm
- Dễ gặp phải tình trạng khách thuê trọ phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến an ninh khó đảm bảo. Có nhiều khu trọ có các đối tượng vướng vào tệ nạn, ảnh hưởng đến người thuê và uy tín của chủ trọ.
- Có khả năng bị quỵt tiền, nợ tiền thuê.
- Phải bỏ chi phí để quản lý, bảo trì phòng trọ.
- Những chủ cho thuê nhà có thu nhập trên 100 triệu mỗi năm sẽ phải đóng thuế ít nhất 10%.

Trên đây, Môi Giới Cá Nhân đã giới thiệu các loại hình đầu tư bất động sản phổ biến và tiềm năng nhất hiện nay. Việc am hiểu ưu – nhược điểm của từng loại hình rất quan trọng để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thêm kiến thức về vấn đề này và có cách đầu tư thông minh nhất.