Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang “ngấm” sâu hơn đến các phân khúc của thị trường bất động sản. Trong khi nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ, bán tháo các gói đầu tư để giảm gánh nặng thanh toán cho chủ đầu tư thì người mua ở thực lại đang tiếp cận được nhiều sản phẩm tốt, giá mềm từ nguồn hàng thanh lý.
1. Dân đầu tư “stress” nặng vì áp lực thanh toán
Lỡ ôm nhiều hàng, không thể xoay được tiền trả theo tiến độ của dự án trong khi lực cầu yếu dần, sức mua của thị trường ngày càng giảm sút, nhiều nhà đầu tư buộc phải rao bán nhà ở giá gốc không lời hoặc chấp nhận trả lại nhà và chịu phạt.
Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại Thủ Đức cho hay, anh đang rất khốn đốn vì lỡ ôm hàng quá nhiều mà không lường trước được khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Được biết, thời điểm tháng 2/2020, khi một dự án trung cấp trên địa bàn Bình Dương chào bán, anh Tuấn thấy vị trí và giá tốt, khả năng sinh lời cao nên đã liều lĩnh gom 06 căn hộ để vừa đầu tư lướt sóng, vừa đầu tư dài hạn. Theo tính toán của anh thì trước khi ký hợp đồng mua bán sẽ có 03 căn được ăn chênh lệch, sau đó sẽ ra tiếp các căn còn lại.
Tuy nhiên, khi đến hạn phải thanh toán 30% giá trị căn hộ để ra Sổ đỏ, anh Tuấn mới điêu đứng vì không thể nào bán ra như dự kiến. Anh Tuấn chia sẻ: “Khó khăn lắm mới bán được 01 căn giá gốc, còn 05 căn bán cắt lỗ mà mãi không tìm được người mua. Tuy chủ đầu tư đã thông cảm cho tôi trễ hẹn 01 tuần, nhưng nếu không thể thanh toán theo tiến độ như đã cam kết từ trước thì tôi sẽ phải chấp nhận mức phạt theo quy định hợp đồng. Còn nếu trả lại nhà và lấy lại tiền thì phải mất 30% tổng số tiền đã thanh toán để đền bù tiền hoa hồng và các chi phí khác”.
Theo tìm hiểu, thực trạng nhà đầu tư mua dự án thanh toán theo tiến độ gặp khó như anh Tuấn hiện nay không hề hiếm. Rất nhiều nhà đầu tư đang đau đầu vì không xoay kịp tiền để thanh toán theo kỳ hạn hay trả góp cả gốc lẫn lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Lúc này, việc ôm hy vọng bán lấy lãi là không thể, khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách rao bán căn hộ bằng giá gốc khi mua từ chủ đầu tư. Song, vẫn rất khó tìm được khách mua.
Anh Nguyễn Văn Bình – một môi giới căn hộ tại khu Đông, TP.HCM cho biết: “Trễ hạn thanh toán 01 kỳ thì chủ đầu tư còn có thể châm chước. Nhưng nếu trễ thêm 01 kỳ nữa thì chắc chắn sẽ bị thu hồi nhà, lại còn phải đóng thêm tiền phạt và các loại phí khác. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư như ‘ngồi trên đống lửa’, tìm mọi cách để ra hàng dù phải bán lỗ ở mức chấp nhận được”.
Anh Bình chia sẻ thêm, làn sóng bán cắt lỗ diễn ra với các sản phẩm thuộc loại hình cao cấp, giá bán từ 03 tỷ trở lên khá nhiều bởi áp lực tài chính thanh toán sản phẩm cao cấp lớn. Nếu nhà đầu tư nào ôm hàng nhiều thì bán ra nhanh là cách “chữa cháy” duy nhất. Tuy nhiên, nếu đã chọn bán nhanh thì không thể kỳ vọng vào lợi nhuận, chỉ có thể hy vọng không lỗ hoặc lỗ càng ít càng tốt.

2. Người mua ở thực được hưởng lợi lớn
Ở hướng ngược lại, nhiều người mua nhà ở thực đang có cơ hội tiếp cận dự án tốt với mức giá phải chăng. Anh Đặng Hồng Thái – chuyên viên tuyển dụng tại một công ty bất động sản quận 1 cho biết, anh vừa mua lại được một căn hộ trung cấp tại quận 9 với giá gốc do nhà đầu tư đuối vốn bán ra. Dự án này triển khai từ giữa năm 2019 và hiện đã xây dựng đến tầng thứ 11, nếu bán theo giá thị trường thì ít nhiều cũng phải chênh từ 10 – 15%. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chịu không nổi áp lực thanh toán một lúc nhiều căn, phải bán ra giá gốc nên anh Thái quyết định mua lại.
Còn đối với loại hình đất nền, khách hàng lại càng đa dạng sự lựa chọn khi nhiều dự án quy mô nhỏ chào bán với mức giá khá mềm, thấp hơn so với thời điểm nóng sốt trước đó để thu hút khách. Tình trạng làm giá ảo, hét giá hay “chim mồi” giảm đáng kể.
Quan trọng nhất trong giai đoạn này là chỉ những dự án có pháp lý hoàn thiện mới dám mạnh tay ra hàng. Điều này giúp người mua ở thực tiếp cận được sản phẩm pháp lý “sạch”, có giá bám sát thị trường.
Anh Phan Thành Vinh – một môi giới đất nền tại Đồng Nai chia sẻ, giai đoạn thị trường giảm nhiệt luôn là thời điểm tốt để người mua ở thực tìm được sản phẩm nhà ở phù hợp. Bên cạnh không mua phải giá “hớ”, người mua còn dễ tiếp cận những sản phẩm nhà đất chất lượng, vị trí tốt được chào bán trên thị trường sơ cấp hay những sản phẩm mà trước đây người mua thực rất khó sở hữu với giá gốc do phải cạnh tranh với dân đầu tư.
Ngoài tâm lý thận trọng khi “xuống tiền” thì hiện tượng đang bao trùm thị trường lúc này là người mua chờ bất động sản xuống giá để bắt đáy, kể cả những người mua ở thực. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản sẽ khó giảm sâu ở thị trường thứ cấp. Do đó, người mua nên nắm bắt ngay thời điểm này để xuống tiền nếu thấy có sản phẩm phù hợp, thay vì tiếp tục chờ thêm để bắt đáy.