Trước sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và hàng loạt các sự kiện vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020, việc dịch chuyển của làn sóng công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước lân cận ngày một mạnh mẽ hơn. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam và chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào?
1. Cơ hội cho Việt Nam đón đầu làn sóng bất động sản công nghiệp
Quý II năm 2019, Hanwha, Shuafu và Yokowo thực hiện dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, hàng loạt các nhà đầu tư quan tâm đến việc đặt các cơ sở sản xuất, chi nhánh tại những nơi được cho là “an toàn hơn”. Và Đông Nam Á là một trong những nơi lý tưởng nhất với các công ty này.
Theo nhận định từ các chuyên gia, động thái di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc như một cách để các tập đoàn đa quốc gia này tránh những rủi ro.

Đặc biệt, so với các nước trong khu vực, Việt Nam sở hữu khá nhiều ưu thế nổi bật:
- Chúng ta sở hữu lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, tính cơ động cao và chi phí nhân công thấp.
- Hạ tầng về giao thông như đường bộ, đường thủy, đường hàng không và hệ thống kho bãi tốt, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và lưu trữ.
- Tình hình chính trị ổn định cũng như tốc độ phát triển kinh tế đầy triển vọng cũng là những ưu điểm được đánh giá rất cao.
- Một lợi thế nổi bật khác không thể bỏ qua đó là Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc. Do đó, các nhà đầu tư có thể không cần phải từ bỏ thị trường rộng lớn là Trung Quốc nhưng vẫn có thể đáp ứng được việc mở rộng sản xuất.
- So với ở Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, cơ hội đầu tư về du lịch, tài chính, dịch vụ, bất động sản với các doanh nghiệp thực hiện chuyển dịch cơ sở sản xuất cũng rộng mở hơn.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng thuộc nhóm thấp nhất thế giới (20%) và chỉ đứng sau Singapore.
- Các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp cũng nhận được rất nhiều ưu đãi nổi bật của Nhà nước như miễn thuế 2-4 năm, miễn thuế nhập khẩu, miễn thị thực,…
Theo một báo cáo từ VNDirect vào thời điểm cuối tháng 4, Microsoft và Google cũng đang thực hiện chuyển dịch một số cơ sở sản xuất sang khu vực Thái Lan và Việt Nam.
BSC (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát Triển Việt Nam) nhận định rằng từ năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Việc này được thúc đẩy từ những hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Nhờ vậy, thị trường Việt Nam sẽ càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư châu Âu.
Làn sóng dịch chuyển này sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2021 theo dự đoán. Để chuẩn bị tốt nhất cho điều này, các doanh nghiệp cần có động thái về vấn đề kho bãi, dịch vụ vận chuyển,…

2. Phải cạnh tranh nếu muốn hút đầu tư dài hạn
Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế nổi bật nhưng để nắm bắt tốt cơ hội này cần có phương án cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hiện nay tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều khu công nghiệp gặp phải khó khăn mang tính chất dài hạn. Do đó, việc thu hút các doanh nghiệp FDI vào thị trường nước ta sẽ không phải là điều dễ dàng.
Những khó khăn mà Việt Nam gặp phải hiện nay là:
- Chưa có sự đồng bộ về hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Điều này xuất phát từ nguyên do các nhà đầu tư bất động sản không muốn giá đất tăng quá cao do việc mở rộng quỹ đất quá nhanh chóng.
- Lực lượng lao động dồi dào nhưng lại thiếu lao động lành nghề, tay nghề cao. Đặc biệt, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tự động hóa, kỹ thuật số, sức hấp dẫn từ thị trường nhân công giá rẻ, nhiều ưu đãi sẽ giảm dần.

Đón đầu xu hướng nở rộ của bất động sản công nghiệp, mức giá và nhu cầu trên thị trường này thời điểm đầu năm vẫn đạt mức cao dù chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19. Tại khu vực phía Bắc, giá đất tăng trung bình ở mức 6,5% và ở khu vực phía Nam là khoảng 12,2%.

Như vậy, thị trường bất động sản công nghiệp có nhiều khả năng sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm tới. Các nhà đầu tư nhanh nhạy cần tìm hiểu kỹ các thông tin và đưa ra những nhận định xác thực để có quyết định đầu tư đúng đắn.